Thị trường bất động sản năm 2016 được đánh giá là năm có nhiều
biến động trên tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh đó, xu hướng nào sẽ
diễn ra tiếp theo trong năm 2017 vẫn là câu chuyện có nhiều dự báo trái
chiều.
Thị trường có khả năng giảm nhiệt
Theo ông
Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương, thị trường bất động sản trong năm 2016 có nhiều diễn biến lớn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt
dòng vốn tín dụng vào bất động sản (BĐS).
Tín dụng đầu tư và kinh
doanh BĐS chỉ chiếm 8,4% tổng tín dụng, giảm nhẹ so với tỷ trọng này
năm 2015 (8,8%). Tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng chậm
lại trong bối cảnh chính sách ngày càng cẩn trọng hơn. Năm 2016, tín
dụng BĐS ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với năm
2015 (28,3%). Cơ cấu tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng tín
dụng đối với cầu BĐS, giảm tỷ trọng đối với cung BĐS. Tỷ trọng tín dụng
dành cho cầu là 62% và cho nguồn cung BĐS là 38%.
Ông Chung dự báo thị trường bất động sản năm 2017 khả năng sẽ giảm
nhiệt, đầu cơ suy giảm. Bất động sản sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án
cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một
số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn
bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn.
“Nguồn tín dụng từ hệ thống
ngân hàng cho thị trường sẽ bị thu hẹp: các ngân hàng thương mại hầu
như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng
nhà nước áp dụng từ T1/2017; áp lực xử lý nợ xấu dự tính vào khoảng
100.000 tỷ đồng nợ xấu. Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên
dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn
tới” - ông Chung nói.
Giảm sự lệ thuộc vốn ngân hàng
Theo ông Sử
Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, xu hướng hợp tác với khối
ngoại giúp doanh nghiệp hạn chế sự lệ thuộc vào ngân hàng. Tuy nhiên,
nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang tính chất khơi thông khi
các doanh nghiệp BĐS trong nước đang gặp khó khăn. Thực ra nguồn vốn chủ
đạo trên thị trường vẫn đang là của các doanh nghiệp bất động sản trong
nước.
Ông Khương cho rằng xu hướng chững lại có thể xảy ra với
bất động sản nhà ở, còn các phân khúc khác như văn phòng, bán lẻ, đang
có những chuyển biến rất mạnh mẽ. Thời gian qua có sự lệch pha về phân
khúc nhà ở, nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển
nhà giá thấp, chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng bán được nhiều sản phẩm.
“Việc
người trẻ có xu hướng tách ra khỏi gia đình, tự lập và mua căn hộ sẽ
dần phổ biến. Nắm bắt nhu cầu này, gần đây, một số công ty BĐS đã tập
trung đi vào phân khúc này. Lợi thế của các chủ đầu tư này là có quỹ đất
và họ phải chấp nhận biên lợi nhuận có phần thấp hơn phân khúc khác để
phát triển bền vững” - ông Khương đánh giá.
0 comments:
Post a Comment